[tintuc]Mặc dù còn gặp không ít khó khăn song nhiều doanh nghiệp chế tạo vừa và nhỏ (SME) Việt Nam vẫn đang không ngừng nỗ lực để tự khẳng định mình và tạo ra đóng góp thiết thực cho xã hội.

Vật liệu hàn là mặt hàng công nghiệp phụ trợ quan trọng đóng vai trò không thể thiếu đối với các ngành đóng tàu, ôtô, xe máy, điện tử,… Hơn 10 năm trước, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một khối lượng lớn vật liệu hàn khiến sản phẩm chế tạo trong nước thường bị đội chi phí và trở nên kém cạnh tranh. Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu về vật liệu hàn trong nước sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Năm 2018, sản lượng sắt thép tiêu thụ nội địa đạt gần 21,75 triệu tấn; nếu tính bình quân sản lượng que hàn chiếm 3 – 5% tổng sản lượng thép tiêu thụ (trừ thép dây) thì nhu cầu đối với riêng mặt hàng này đã là rất lớn. Tuy nhiên, sản lượng que hàn do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp ra thị trường (trong năm 2017) mới chỉ đạt hơn 52.000 tấn – số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Vibiz.

Que hàn KOVI, sản phẩm của Công ty TNHH Bảo Chi. Ảnh: BCC.
Que hàn KOVI, sản phẩm của Công ty TNHH Bảo Chi. Ảnh: BCC.

Nhận thức rõ về khoảng trống trên một thị trường ngách (niche market) đầy hấp dẫn, một số doanh nghiệp tiên phong trong nước như Việt Đức, Kim Tín, Hữu Nghị, Tân Nam Đô, Atlantic,… đã mạnh dạn mua sắm máy móc, công nghệ,… cũng như chủ động liên kết, hợp tác để tăng cường sự hiện diện và chiếm lĩnh thị phần. Mặc dù vậy, không phải loại que hàn nào cũng đạt được vị thế tốt và doanh nghiệp còn thiếu quy trình chuẩn cho những sản phẩm thực sự “đẳng cấp”.

Kỹ sư Ngô Văn Trọng, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo Chi (BCC) cho biết cơ duyên đến với anh từ đầu năm 2019 khi được một người thầy, đồng nghiệp trong ngành cơ khí thông báo về một dây chuyền sản xuất que hàn của Hàn Quốc có giá chào hấp dẫn. Tại thời điểm ấy, trong đầu anh không hề có bất cứ ý niệm gì về mảng chế tạo que hàn; ngoài ra anh cũng chưa từng “mục kích sở thị” một quy trình sản xuất que hàn trên thực tế dẫu xuất thân là một kỹ sư hàn được đào tạo bài bản (tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội). Nhưng sau khi bàn bạc với các cộng sự, anh vẫn quyết định nhập dây chuyền về để thử, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Thoạt đầu, khi nhìn đống máy móc vừa được kéo tới xưởng, anh không khỏi hoang mang bởi trông chúng không khác gì một đống phế liệu ngổn ngang. Trong suốt vài tháng sau đó, anh và đội ngũ của BCC đã làm việc không biết mệt mỏi, vùi đầu vào tìm hiểu thiết kế, nguyên lý hoạt động của máy cùng quy trình sản xuất que hàn.

Phân xưởng sản xuất que hàn của Công ty BCC. Ảnh: BCC.

“Để làm chủ năng lực bảo dưỡng và sửa chữa những chi tiết đơn lẻ, chúng tôi đã làm hỏng máy không biết bao nhiêu lần”, anh Trọng tâm sự. Nhờ sự nỗ lực và được bạn bè, đồng nghiệp, nhất là những người đã có kinh nghiệm với loại máy này hỗ trợ, sau gần 2 năm, dây chuyền sản xuất que hàn của BCC đã được lắp đặt hoàn chỉnh và sẵn sàng đi vào hoạt động với công suất thiết kế 400 tấn/tháng cho giai đoạn 1 và hoàn toàn có thể mở rộng lên 600 tấn/tháng. Sản phẩm làm ra cho chất lượng vượt trội với ưu điểm: dễ tạo hồ quang và duy trì lâu trong nhiều điều kiện môi trường, ít tạo khói hàn, ít bắn tóe khi hàn, sỉ dễ bong, mối hàn sáng đẹp,… Bên cạnh đó, anh Trọng và các kỹ sư của BCC còn liên tục tìm cách cải tiến để tạo nên loại que hàn thân thiện với người sử dụng, nhất là những thợ cơ khí không chuyên (thợ vườn).

“Bản thân cái tên KOVI cũng lại là một sự tình cờ,” anh Trọng cho biết. Anh thừa nhận rằng mình ban đầu chỉ nghĩ được những danh xưng ghép theo kiểu Việt – Hàn, Hàn – Việt,… Thế rồi COVID-19 bùng phát khiến mọi hoạt động sản xuất, cung ứng bị gián đoạn, anh quyết định chọn cái tên KOVI bởi nó vô tình cũng được phát âm gần giống với COVID và cũng để ghi nhớ một biến cố kinh hoàng trong lịch sử nhân loại. Que hàn KOVI đánh dấu bước chuyển mình của BCC để trở thành một nhà sản xuất vật liệu hàn chuyên nghiệp (que hàn, tấm chịu mòn,…) thay vì chỉ nhận các hợp đồng gia công. Trong số những đối tượng khách hàng mà công ty hướng tới, BCC rất muốn tiếp sức và nâng đỡ các thợ vườn ở những miền quê còn nhiều thiếu thốn bằng các sản phẩm chất lượng với mức giá phải chăng. Anh Trọng kỳ vọng BCC sẽ bán được ít nhất 200 tấn que hàn/tháng trong năm 2022, đạt doanh thu gần 60 tỷ VNĐ và tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động,…

Cá nhân anh Trọng rất ngưỡng mộ nhà công nghiệp kiêm phát minh người Thụy Điển Oscar Kjellberg (1870 – 1931) – cha đẻ của que hàn điện (coated electrode) và 2 công ty kỹ thuật lừng danh thế giới: Elektriska Svetsnings-Aktiebolaget (ESAB, trụ sở tại Thụy Điển) và Kjellberg Finsterwalde (Đức)1. Anh cũng ấp ủ kế hoạch xuất khẩu que hàn KOVI, tấm chịu mòn D-Plate, miếng nhám HIBEST,… trong tương lai không xa để khẳng định với bạn bè quốc tế rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm công nghiệp phụ trợ với chất lượng không hề thua kém Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… Nhưng trước mắt anh cần tập trung cho mục tiêu ngắn hạn quan trọng và thiết thực hơn cả: chinh phục thị trường trong nước.

Chú thích

1. Ngày 27/06/1908, Oscar Kjellberg được cấp bằng sáng chế No.231733 tại Đức cho phát minh “Que hàn và quy trình hàn điện” (Electrode and procedure for electrical soldering). Trên cương vị tổng giám đốc ESAB (hoạt động từ năm 1904), năm 1921, Kjellberg cho thành lập thêm công ty Kjellberg Elektroden GmbH tại Berlin cùng 6 cổ đông (toàn bộ là người Đức và Thụy Điển) để sản xuất và thương mại hóa que hàn điện.
[/tintuc]

Bình luận

0345-015515